P/E vs PEG: Chỉ số nào định giá cổ phiếu hiệu quả hơn?
Chỉ số P/E (Price-to-Earnings) là một trong những chỉ số được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường chứng khoán, nó cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty kiếm được.
Tuy nhiên, chỉ số phổ biến này chỉ kể một nửa câu chuyện. Giả sử bạn phát hiện một cổ phiếu đang có P/E là 10 trong khi các đối thủ trong ngành hiện ở có P/E 20 hoặc hơn – có vẻ như cổ phiếu P/E = 10 là một món hời đúng không? Nhưng không hẳn vậy. Các nhà đầu tư thông minh không bao giờ chỉ dựa vào một chỉ số duy nhất khi đánh giá cổ phiếu.
Đây là lúc chỉ số PEG (Price/Earnings-to-Growth) xuất hiện, mở rộng từ nền tảng P/E bằng cách tính đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Việc hiểu đúng và áp dụng đúng các chỉ số này trong từng trường hợp cụ thể có thể giúp bạn cải thiện đáng kể khả năng nhận diện những cổ phiếu tiềm năng.
Những điểm cần lưu ý:
-
Chỉ số P/E giúp xác định giá trị thị trường của cổ phiếu so với lợi nhuận của nó.
-
Chỉ số PEG bổ sung dự báo tăng trưởng lợi nhuận, cung cấp một cách định giá toàn diện hơn.
-
Cả hai chỉ số này cần được so sánh trong các ngành và lĩnh vực cụ thể.
-
Chỉ số P/E và PEG đều có những hạn chế và cần được sử dụng kết hợp với nhau để có hiệu quả.
Chỉ số P/E là gì?
Chỉ số P/E giúp nhà đầu tư đánh giá việc mình sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty tạo ra. Chỉ số này thường được sử dụng để xác định liệu giá cổ phiếu hiện tại có hợp lý so với khả năng sinh lời của công ty hay không.
Để tính toán chỉ số P/E, bạn chia giá cổ phiếu hiện tại cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Smoney sử dụng EPS pha loãng 12 tháng gần nhất (EPS Diluted TTM) để tính chỉ số P/E chính xác hơn: P/E = Giá cổ phiếu hiện tại / EPS pha loãng 12 tháng gần nhất.
Ví dụ: Cổ phiếu QNS đang có giá 44.500đ tại ngày 03/04/2025 và EPS pha loãng 12 tháng là 6.467đ thì giá trị P/E tại ngày 03/04/2025 của QNS = 44500 / 6467 = 6,88
Tham khảo thêm: EPS Basic vs EPS Diluted: Khác nhau điểm nào?
Chỉ số P/E phản ánh rõ nét kỳ vọng hiện tại của nhà đầu tư vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai của công ty.
Cổ phiếu có P/E cao nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai nên sẵn sàng trả một mức giá cao. Ngược lại, khi P/E thấp cho thấy nhà đầu tư đang nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng hoặc cổ phiếu đó có thể đang bị thị trường định giá thấp.
Chỉ số này đặc biệt hữu ích khi so sánh các công ty trong cùng một ngành. Quan trọng là bạn phải hiểu rõ đặc thù của ngành nghề và lợi thế cạnh tranh của từng công ty trước khi đưa ra được kết luận chính xác cổ phiếu nào có định giá hấp dẫn hơn.
5 điểm hạn chế của chỉ số P/E
Mặc dù chỉ số P/E rất phổ biến, nó cũng có những điểm mù lớn có thể khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm nếu không kết hợp với các chỉ số định giá khác.
- Không tính đến triển vọng tăng trưởng: Một công ty có P/E cao có thể bị định giá thấp nếu lợi nhuận của nó tăng trưởng 40% mỗi năm. Ngược lại, nếu P/E thấp có thể chỉ ra rằng công ty đang suy thoái.
- Không tính đến nợ vay: Chỉ số P/E không cho bạn biết công ty có đang gặp vấn đề về nợ hay không. Một công ty có P/E thấp có thể đang gặp khó khăn tài chính, điều mà chỉ số này không thể hiện rõ.
- Dễ bị thao túng số liệu kế toán: Các công ty có thể cải thiện chỉ số P/E của mình bằng cách bán tài sản để có lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn chứ không xuất phát từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính.
- Không chính xác khi so sánh giữa các nhóm ngành: Việc so sánh chỉ số P/E giữa các ngành khác nhau có thể gây hiểu lầm vì các ngành khác nhau sẽ có đặc thù khác nhau.
- Giả định về xu hướng lợi nhuận: Chỉ số P/E giả định rằng các mô hình lợi nhuận sẽ tiếp tục, trong khi các yếu tố vĩ mô như lạm phát có thể tác động mạnh đến tăng trưởng trong tương lai.
Chỉ số PEG là gì?
Trong khi P/E không tính đến khả năng tăng trưởng thì chỉ số PEG lại có. Đây là chỉ số toàn diện hơn vì nó kết hợp giữa dự báo tăng trưởng lợi nhuận vào công thức tính, giúp xác định liệu giá cổ phiếu có hợp lý hay không khi tính đến triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Chỉ số PEG được tính bằng cách chia chỉ số P/E cho dự báo tỷ lệ tăng trưởng EPS hàng năm (Smoney sử dụng tỷ lệ tăng trưởng EPS bình quân 5 năm để thay cho dự báo tỷ lệ tăng trưởng EPS hàng năm)
Ví dụ: P/E của cổ phiếu QNS tại ngày 03/04/2025 là 6,88 và tỷ lệ tăng trưởng EPS bình quân 5 năm là 17% thì PEG = 6,88 / 17 = 0,4
* Tip: Thông thường nếu PEG nhỏ hơn 1.0 cho thấy cổ phiếu có thể đang bị định giá thấp, trong khi PEG trên 2.0 chỉ ra rằng giá trị cổ phiếu đang được định giá cao hơn giá trị thực.
Chỉ số nào định giá cổ phiếu hiệu quả hơn?
Cả chỉ số P/E và PEG đều là công cụ hữu ích trong bộ công cụ phân tích cổ phiếu của nhà đầu tư. P/E cho biết bạn đang trả bao nhiêu cho lợi nhuận hiện tại của công ty, trong khi PEG chỉ ra liệu mức giá đó có hợp lý khi tính đến triển vọng tăng trưởng của công ty.
Để minh họa cho cách sử dụng kết hợp 2 chỉ số này cùng nhau, hãy xem xét 2 trường hợp sau trong kết quả bộ lọc cổ phiếu Smoney:
-
Cổ phiếu HDB có P/E là 5,7 tại ngày 03/04/2025 và tăng trưởng lợi nhuận bình quân 5 năm là 6,6% nên có PEG là 0,86
-
Cổ phiếu LPB có P/E cao hơn là 10,13 tại ngày 03/04/2025 nhưng lại có tăng trưởng lợi nhuận bình quân 5 năm cao hơn là 17,01% nên PEG là 0,6
Mặc dù P/E của HDB thấp hơn LPB, nhưng PEG lại cao hơn, qua đó cho thấy cổ phiếu LPB sẽ có giá trị tốt hơn khi tính đến tốc độ tăng trưởng của công ty.
Điều này giúp rút ra 2 kết luận sau:
-
Giai đoạn phát triển của công ty: Các công ty mới thành lập và đang trong giai đoạn phát triển có thể có P/E cao nhưng PEG lại thấp nhờ vào tốc độ tăng trưởng cao qua mỗi năm.
-
Lãi suất thị trường: Trong các giai đoạn lãi suất thấp, nhà đầu tư thường chấp nhận P/E cao hơn ở tất cả các ngành vì môi trường lãi suất thấp tạo điều kiện cho nhiều công ty đầu tư mở rộng sản xuất nên tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai sẽ cao. Ngược lại, giai đoạn lãi suất tăng cao thì nhà đầu tư thường chấp nhận mức P/E thấp hơn vì khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty sẽ giảm trong môi trường lãi suất cao.